Cách cơ thể thay đổi khi tiêu thụ dầu thầu dầu lúc bụng đói
Uống dầu thầu dầu lúc bụng đói giúp hỗ trợ tiêu hóa, giảm táo bón, nhưng nếu dùng sai cách có thể gây tiêu chảy, chuột rút và ảnh hưởng đến sức khỏe đường ruột.
Trong y học cổ truyền và thực hành yoga, dầu thầu dầu được xem là phương thuốc tự nhiên giúp giảm táo bón hiệu quả. Một số nhà dinh dưỡng khuyên nên uống dầu thầu dầu khi bụng đói mỗi tháng một lần, kết hợp với nước, để hỗ trợ hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, việc sử dụng dầu này cần cẩn trọng và đúng cách để tránh tác dụng phụ không mong muốn.
Dầu thầu dầu hoạt động như thế nào?
Theo nhà dinh dưỡng Tanvee Singh, người sáng lập Trung tâm sức khỏe Fatfree (Ấn Độ), dầu thầu dầu là một loại thuốc nhuận tràng kích thích mạnh.
Thành phần chính là axit ricinoleic, có khả năng liên kết với các thụ thể trong ruột, kích thích các cơ trơn co bóp để đẩy phân ra ngoài. Ngoài ra, dầu còn tạo hiệu ứng bôi trơn nhẹ giúp việc đi tiêu dễ dàng hơn.
Thông thường, dầu thầu dầu bắt đầu phát huy tác dụng trong vòng 2 đến 6 giờ sau khi uống. Liều dùng phổ biến cho người lớn là 1-2 thìa cà phê (5-10ml) khi bụng đói. Do có mùi vị khá khó chịu, dầu thường được pha cùng nước ép trái cây để dễ uống hơn.
Không nên lạm dụng
Mặc dù là phương pháp tự nhiên, nhưng dầu thầu dầu chỉ nên được sử dụng trong thời gian ngắn, tối đa từ 1 đến 2 ngày. Sử dụng lâu dài có thể khiến ruột bị “lười” vận động do phụ thuộc vào kích thích nhân tạo, từ đó làm trầm trọng thêm tình trạng táo bón.
Một số tác dụng phụ thường gặp nếu dùng quá liều hoặc không đúng cách gồm: đau bụng, chuột rút, tiêu chảy và nguy cơ mất nước. Vì vậy, việc bổ sung nước đầy đủ sau khi uống dầu thầu dầu là rất quan trọng.
Ai nên tránh sử dụng?
Dù được đánh giá là an toàn khi sử dụng liều nhỏ, nhưng dầu thầu dầu không phù hợp với tất cả mọi người. Đặc biệt, phụ nữ mang thai nên tránh vì dầu có thể gây co bóp tử cung, tiềm ẩn nguy cơ sinh non hoặc chuyển dạ sớm. Ngoài ra, người mắc các bệnh lý như tắc ruột, viêm ruột, loét đại tràng cũng không nên sử dụng loại dầu này.
Lưu ý
Ngoài việc uống, một số người sử dụng dầu thầu dầu như dầu massage bụng ấm để kích thích tiêu hóa. Phương pháp này thường được kết hợp với các bài tập yoga hoặc kỹ thuật Ayurvedic, mang lại hiệu quả nhẹ nhàng hơn cho những ai có cơ địa nhạy cảm.
Nhà dinh dưỡng Tanvee Singh cũng nhấn mạnh rằng, muốn trị táo bón tận gốc, cần có chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh. Các thực phẩm ấm, ẩm, có dầu, cùng việc ngủ đủ giấc, kiểm soát căng thẳng và vận động thường xuyên là những yếu tố then chốt giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả và ổn định.
Thùy Dương